Peel Da: Mục Đích, Cách Làm, Rủi Ro & Kết Quả

0
Peel Da: Mục Đích, Cách Làm, Rủi Ro & Kết Quả
Peel Da: Mục Đích, Cách Làm, Rủi Ro & Kết Quả
Quảng cáo

Xin chào,

Đã hơn hai tuần rồi, tới tận hôm nay thì mình mới viết được thêm một bài. Phần là vì lười 😂, phần là vì mình cũng chưa có thêm sản phẩm nào mới để làm bài đánh giá cả.

Bài viết này cũng sẽ không phải là một bài đánh giá mà mang tính chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhiều hơn. Và chủ đề mình muốn nói tới đó chính là “Peel Da Hóa Học”.

Đây là vấn đề cũng đang được nhiều chị em quan tâm tìm hiểu. Vì thế, mình hi vọng một chút kiến thức mình tích lũy được về “peel da” sẽ giúp chị em phần nào giải đáp được các thắc mắc của mình.

Mình sẽ vào phần chính luôn nhé!

Peel da hóa học là gì và để làm gì?

Peel da hóa học là phương pháp làm đẹp sử dụng các chất hóa học gây tác động lên làn da, loại bỏ các tế bào chết, làm da tróc vảy và cuối cùng được “lột đi”, tạo ra lớp da mới.

Peel da hóa học có thể cải thiện bề mặt da trở nên đẹp hơn. Làn da mới được tạo sau khi peel thường sẽ mượt mà hơn và ít bị nhăn nheo, ít vết thâm mụn hơn làn da cũ. Màu da cũng sẽ đồng đều hơn.

Trên thực tế thì peel da hóa học không chỉ áp dụng lên mặt thôi đâu. Mà còn có thể áp dụng lên cổ và tay nữa nhé.

Một tác dụng khác nữa của peel da hóa học đó là cải thiện bề mặt da của những vùng da bị cháy nắng.

Những ai thì thích hợp với peel da hóa học?

Theo như mình tìm hiểu thì nhìn chung, những bạn có làn da sáng và cân bằng thì sẽ thích hợp với peel da hóa học hơn. Nếu bạn có làn da tối thì cũng không sao cả. Thực hiện peel da với làn da tối màu vẫn có thể cho kết quả tốt, nhưng nó phụ thuộc vào mục đích bạn muốn peel da để làm gì. Ngoài ra, khả năng da bạn trở nên không đều màu sau khi peel cũng cao hơn các bạn da sáng và cân bằng.

Nếu da bị chảy xệ, hoặc bị sưng phồng, hoặc nhiều nếp nhăn lớn thì cũng không thích hợp với peel da hóa học. Với những loại da này thì các phương pháp như là tái tạo bề mặt bằng laser, nâng mặt, mắt hoặc tiêm filler có lẽ sẽ thích hợp hơn…

Các sản phẩm peel da hóa học cũng thường chứa những loại axit có khả năng tác động mạnh tới làn da. Và không phải làn da nào cũng có thể chịu được những loại axit này. Có một số bạn có làn da thích hợp với mọi loại axit, hoặc chỉ thích hợp với một vài loại axit, hoặc thậm chí không thích hợp với loại axit nào. Đặc biệt những bạn có da quá mỏng và yếu thì không nên sử dụng phương pháp peel da hóa học. Về vấn đề này bạn có thể đọc thêm về một số loại axit thông dụng như AHA hay BHA trong bài tổng quan về AHA, BHA, PHA của mình.

Đây là sản phẩm chứa AHA, BHA, PHA khá hot trong thời gian qua tại Việt Nam
Đây là sản phẩm chứa AHA, BHA, PHA khá hot trong thời gian qua tại Việt Nam

Để tránh các nguy cơ không đáng có thì bạn nên đi gặp bác sĩ để hỏi ý kiến về các loại axit thích hợp. Hoặc nếu bạn có định tự làm ở nhà thì cũng nên bắt đầu với các loại nhẹ nhàng trước, rồi nâng dần lên tới khi nào thấy thích hợp, vừa đủ.

Quy trình peel da hóa học

Về cơ bản thì quy trình này nếu bạn đến gặp bác sĩ làm hay bạn tự làm ở nhà thì cũng không khác nhau là mấy.

Nếu có đến gặp bác sĩ thì làm peel da hóa học cũng không hề mất nhiều thời gian, không cần phải ở lại qua đêm.

Để peel da thì điều đầu tiên đấy là bạn cần phải làm sạch da của mình. Sau đó là apply sản phẩm peel da hóa học lên mặt. Các sản phẩm này thường chứa một vài loại axit thông dụng như là glycolic axit, trichloroacetic axit, salicylic axit, lactic xit, hoặc carbolic axit. Làm với từng vùng da nhỏ thôi vì điều đó sẽ giúp bạn dễ kiểm soát hơn.

Trong khi làm peel da hóa học thì cảm giác nóng rát trên mặt là điều rất bình thường. Cảm giác này thường kéo dài từ năm đến mười phút. Nếu có thể thì bạn nên mua các miếng gạc làm mát da đặt lên trên thì sẽ thấy dễ chịu hơn, hoặc nhờ bác sĩ đặt cho bạn. Có bạn đã chia sẻ rằng lúc làm peel da sâu thì đau quá còn phải dùng cả thuốc giảm đau 😂.

Sau khi peel da hóa học thì sao?

Tùy thuộc vào loại peel hóa học mà bạn chọn thì thường sau khi làm bạn sẽ có cảm giác giống như da bị cháy nắng. Ngoài ra da cũng sẽ bị đỏ trong khoảng từ ba ngày cho đến một tuần. Peel da hóa học thường cũng không phải chỉ làm một lần là xong, mà sẽ phải lặp lại cách tuần từ một tuần cho đến một tháng một lần cho đến khi da bạn hoàn toàn được thay mới. Đó là với những sản phẩm peel da nhẹ nhàng.

Nếu bạn sử dụng các sản phẩm peel da mạnh hơn để lột sâu hơn thì có thể dẫn đến sưng mặt, gây ra các mụn nước. Các mụn nước này có thể vỡ ra (ewww!) và gây bong tróc trong khoảng thời gian từ 7 ngày cho đến 2 tuần. Với những loại peel này thì chỉ nên làm cách nửa năm cho đến một năm thôi. Và chỉ nên làm khi thực sự cần thiết, tốt nhất là với bác sĩ.

Đặc biệt quan trọng sau khi peel da hóa học đó là bạn phải tránh nắng bằng mọi giá! Sau khi peel xong thì da cực kì yếu và nhạy cảm hơn rất nhiều. Vì thế hãy luôn luôn bôi kem chống nắng, loại chống cả UVA và UVB, với SPF từ 30 trở lên ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp với nắng. Hạn chế ra ngoài khi trời nắng đặc biệt trong khoảng từ 10h sáng tới 2h chiều.

Bạn nên đội những cái mũ rộng vành như thế này sau khi peel da hóa học
Bạn nên đội những cái mũ rộng vành như thế này sau khi peel da hóa học

Các biến chứng có thể gặp phải

Biến chứng khi peel da hóa học thì cũng ít, nhưng không phải là không thể gặp phải.

Một số loại da sau khi peel hóa học thì có thể bị thay đổi màu sắc vĩnh viễn. Cái này do nhiều nguyên nhân, có thể đơn giản chỉ là do uống thuốc tránh thai trong thời gian peel da, hoặc cũng có thể là do các nguyên nhân liên quan tới di truyền.

Ngoài ra thì peel da hóa học cũng có nguy cơ, dù rất nhỏ, để lại sẹo ở những vùng nhất định trên mặt. Một vài người sẽ dễ bị sẹo hơn những người khác. Nhưng bạn cũng yên tâm là ngay cả khi bị sẹo do peel da hóa học thì cũng hoàn toàn có thể khắc phục được.

Với những người từng có tiền sử bị mụn rộp thì cũng có khả năng bị loét da khi peel hóa hoc. Vấn đề này ai bị thì rất nên tham khảo bác sĩ để có phương án ngăn ngừa.

0 0 votes
Article Rating
Quảng cáo
Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments